Vị trí địa lý
Xã An Dân là vùng đồng bằng nông thôn thuộc phía Bắc của huyện Tuy An, cách trung tâm huyện 3km, có đường giao thông Quốc lộ 1 đi qua nên đây là địa phương có tiền năng và lợi thế về vị trí địa lý, thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế xã hội với các vùng lân cận và cả nước.
+ Phía Đông: Giáp xã An Ninh Tây;
+ Phía Tây: Giáp xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân
+ Phía Nam: Giáp xã An Thạch, thị trấn Chí Thạnh; xã An Định;
+ Phía Bắc: Giáp xã Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu.
Trên địa bàn xã có vùng hạ lưu Bà Đài ( hạ lưu sông Cái) có làng, xã hình thành từ khi có vùng đất Phú Yên ở thế kỷ XVII như làng Phong Lương ( Long Uyên thuộc Hà Bạc, huyện Đồng Xuân từ khi Nguyễn Phúc Vinh lập dinh Trấn Biên vào năm 1629).
Năm 1832, dưới thời Vua Minh Mạng, trên địa bàn xã An Dân có thôn An Mỹ sau đo đổi tên thành thôn Phú Mỹ thuộc tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân.
Năm 1836, An Dân là trung tâm trấn lỵ Phú Yên ( trung tâm phủ Phú Yên) từ Hội Phú phía nam sông Cái được chuyển về thôn Long Uyên thuộc tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, cách Thành cũ khoảng 2 km về phía Tây Bắc ( nay là thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An). Sách Đại Nam thực lục chép: « Năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 ( 1836), « Dời dinh Phú Yên ra chỗ khác ( ở địa phận thôn Long Uyên, huyện Đồng Xuân, cách lỵ sở cũ hơn 560 trượng. Bốn mặt thành đều dài 60 trượng, thân thành cao 8 thước 5 tất, dày 1 trượng 5 tấc).
Đến năm 1899, thôn Long Uyên, chia làm 2 làng: giáp nhất là An Thổ và giáp nhị là Long Uyên thuộc tổng An Hải, phủ Tuy An.
Tháng 9 năm 1945, phủ Tuy An đổi thành phủ Công Ái. Tháng 6 năm 1945 để phù hợp với tình hình chung trong cả nước, đổi tên đơn vị hành chính ở các cấp, bỏ cấp tổng, đổi phủ thành huyện, nhập các làng thành xã, dưới xã là thôn. Phủ Công Ái thành huyện Tuy An. Lúc đó, xã An Dân có tên là xã Tân Hiệp có các thôn Mỹ Long, Mỹ Phú, Bình Hòa, An Thổ, Bình Chính, Long Uyên. Sau hợp nhất xã lần ba vào cuối năm 1949, các xã đều có chữ «An» trong tên gọi nên xã An Hiệp đổi thành xã An Dân cho đến ngày nay.
Xã An Dân có tổng diện tích tự nhiên của xã An Dân là 2.012,19 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 1537,14 ha, đất phi nông nghiệp 355,54 ha. Toàn xã có 07 thôn gồm Mỹ Long, Phú Mỹ, Bình Hòa, An Thổ, Long Uyên, Bình Chính và Cần Lương .
Đặc điểm địa hình
Địa hình đặc trưng của xã An Dân là có dải đồng bằng hẹp và có đồi núi cao, thấp dần theo hướng từ tây sang đông, có 2 nhánh sông là Sông Nhân Mỹ và Sông Cái – Ngân Sơn.
An Dân có những dải đồng bằng hẹp như đồng Gò Thánh, đồng Cây Da, đồng Bà Cung, đồng Tấn Lương, đồng Hồ, đồng Kỳ Xanh ( Long Uyên); các cánh đồng như đồng Gò Dê, đồng Bà Bác, đồng Bà Cung, đồng Tấn Lương, đồng Đèo ( Cần Lương); đồng Bầu, đồng Trường ( thôn Bình Hòa); đồng Mỹ Long ( Mỹ Long); đồng Cây Quăn, đồng Soi Giữa, đồng Lẫm, đồng Gò Thu, đồng Hồ, đồng Quai Hạ, đồng Quai Thượng, đồng Tam Tài, đồng Đèo, đồng Rộc ( Bình Chính); đồng Bầu Me, đồng Mù Cua, đồng Bầu ( Phú Mỹ); đồng Trường Bắn, đồng Chùa, đồng Sơ Dâu (An Thổ).
Địa hình đồi núi trải dài như núi Miếu Hiền thôn Phú Mỹ dài 800m. Núi Hòn Sơn, núi Động Tranh và Núi Hòn Kè thôn Bình Chính dài 1500m. Ở thôn Mỹ Long có ní Cấm trên dài 700m, núi Cấm dưới dài 900m. Nơi đây có hang Đá Do – từng được Tỉnh Ủy Phú Yên chọn làm căn cứ để chỉ đạo 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bên cạnh đó, phía Bắc xã có núi Hòn Gành, núi Vườn Xoài thôn Cần Lương dài 2.50m, cao 105. Tất cả điều kiện núi đồi của xã thích hợp cho phát triển Lâm nghiệp, Khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng.
Hạ lưu sông Cái huyện Tuy an có nhánh rẽ ra phía Bắc huyện chảy qua thôn Bình Hòa xã An Dân và Sông Vét phân chia ra ở đoạn thôn Mỹ Long chảy qua địa phận xã.
Với địa hình, thổ nhưỡng như vậy tạo ra nhiều hợp thủy, có nguồn nước có thể khai thác để phát triển sản xuất nông nghiệp. Dạng địa hình này thích hợp cho việc canh tác lúa, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã.
Điều kiện Khí hậu, thời tiết
Xã An Dân thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, năm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa với các yếu tố khí hậu đặc trưng chính sau:
- Chế độ nhiệt: Nhiệt độ trung bình năm khoảng 26,6 oC – 27,7 oC, mùa nóng do ảnh hưởng của gió tât, nhiệt độ cao tuyệt đối lên đến 29,5 oC. Mùa lạnh khi có gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ Trung bình xuống còn 21 oC ( thấp nhất tuyệt đối 18,5 oC)
- Chế độ mưa: An Dân có luwọng mưa trung bình hàng năm là 2.104mm, có 131 ngày mưa. Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt:
+ Mùa khô từ tháng 01 đến tháng 08, khí hậu khô nóng chịu ảnh hưởng của chế độ gió Tây Nam, có ít mưa, lượng mưa mùa khô chiếm 20-30% lượng mưa trong năm.
+ Mừa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, thường chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mang theo mưa, nhiệt độ thấp, mát mẻ, lượng mưa trong mùa chiếm 70-80% lượng mưa cả năm.
Thủy văn
Có mạng lưới sông suối phân bố tương đối đều. Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ phát triển các ngành kinh tế và nhu cầu dân sinh.
Tài nguyên đất
Tài nguyên đất tại xã An Dân chủ yếu gồm 02 nhóm đất chính:
Nhóm đất xám
Đất xám hình thành trên nền đá macma axit và đá cát. Đây là nhóm đất chiếm diện tích khoảng 40% tổng diện tích đất tự nhiên.
Nhóm đất phù sa
Diện tích còn lại là đất đất phù sa tại các khu vực thấp trũng dọc các sông, suối. Đất phù sa phù hợp trồng lúa, ngô, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, đặc biệt là cây lúa 02 vụ với diện tích 217 ha.
Tài nguyên nước
Xã An Dân có 02 nhánh sông là sông Ngân Sơn và Sông Vét thuộc sông Kỳ Lộ chảy dọc theo phía Nam của xã, 02 nhánh sông này giữ vị trí vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân trong xã như: cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuối trồng thủy sản, góp phần làm tươi đẹp cảnh quan, điều hòa khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã